Mọi cảm xúc của ta đều đáng giá
Tôi là một empath. Đồng nghĩa với việc tôi rất nhạy cảm, nhiều cảm xúc. Và từ rất sớm, tôi đã quyết định cứ thành thật với những cảm xúc của mình, và để chúng bộc lộ ra ngoài. Rất nhanh sau đó, tôi phải đối diện với nhiều lời phán xét, đánh giá mình. Họ bảo tôi sống cảm xúc quá, không thể làm quản lý hay lãnh đạo được. Họ bảo năng lượng của tôi không ổn định, không nên làm gì với tình trạng này. Họ bảo tôi đừng nên giúp ai khi cảm xúc tôi cứ lên xuống thế này. Vân vân và mây mây.
Hơn mười năm qua, tôi bước đi như thế. Cố gắng hiểu chính mình và xã hội này. Tôi đã lắng nghe tất cả. Tôi vẫn giúp những người đến tìm tôi. Tôi vẫn loay hoay với chính mình để ổn định cảm xúc, tìm về cái gọi là bình an và hạnh phúc mà tôi & mọi người đặt ra như 1 thước đo giá trị cho một healer. Và thành thật với chính mình, tôi thấy mình thật khiếm khuyết, mình không đủ, mình chưa tốt để làm những gì mình đang làm. Tôi tự hỏi mình có sai không, khi vẫn tiếp tục làm công việc này trong khi bản thân vẫn còn nhiều cảm xúc tiêu cực trong ngày.
Rồi một ngày tôi nhận ra một điều tuyệt vời.
Tôi nhận ra khi chúng ta xếp các cảm xúc vào nhóm “tích cực” và “tiêu cực”, cũng giống như việc chúng ta phân biệt “ánh sáng” và “bóng tối”. Chúng ta tự nhận mình là “ánh sáng” và tạo ra một cuộc chiến chống lại “bóng tối”. Chúng ta sợ hãi, xa lánh, kỳ thị “bóng tối”. Trong khi “bóng tối” và “ánh sáng” đều là những phần bổ sung cho nhau trong thế giới này. Ta rồi cũng là họ, và họ rồi sẽ là ta. Trong ta có cả “ánh sáng” và “bóng tối”. Cũng giống như trong ta có cả cảm xúc “tích cực” và “tiêu cực”. Việc ta chỉ chăm chăm gom vào càng nhiều ánh sáng càng tốt, xoá đi càng nhiều bóng tối càng tốt. Cũng giống như việc ta chăm chăm thừa nhận những cảm xúc “tích cực” và chối bỏ những cảm xúc “tiêu cực” trong ta. Và càng đi ta sẽ càng cực đoan. Giống như ta có 2 chân mà chỉ chăm chăm đi trên 1 chân, bước chân nào lỡ dùng chân còn lại thì thấy mình thật tệ.
Và tôi nhận ra bài học mà thầy đã dạy cho tôi. Nó sâu sắc không ngờ. Cái quan trọng ở đây không phải là “phải hạnh phúc, phải bình an”, mà cái quan trọng là “sự cân bằng”.
Hiểu được bài học này, thì tôi mới thật sự nhận ra giá trị của tất cả cảm xúc bên trong mình. Dù là hạnh phúc, bình an, hay đau khổ, tức giận, tuyệt vọng, buồn phiền, lo lắng… đều có những giá trị riêng của nó.
Chúng ta dựa vào cái bảng biểu đồ năng lượng, để xem cảm xúc nào mang lại năng lượng cao nhất cho chúng ta. Rồi chúng ta bám chấp vào cái bảng xếp hạng đó. Chúng ta thấy hài lòng khi mình có những cảm xúc có năng lượng cao. Chúng ta lẳng lặng giấu đi những cảm xúc có năng lượng thấp. Chúng ta đang tự xếp loại chính bản thân mình.
Bạn thân yêu của tôi, hôm nay khi tôi quyết định chia sẻ với bạn những điều này, tôi cũng muốn nói với bạn một sự thật rằng tất cả cảm xúc của chúng ta đều giá trị như nhau. Đừng bám chấp vào năng lượng cao hay thấp, rung động cao hay thấp. Bản thân chúng ta luôn đủ đầy và tuyệt vời, dù lúc này chúng ta đang vui hay buồn, bình an hay lo lắng, tha thứ hay tức giận. Đừng để ma trận ngoài kia đánh lừa mình nữa! Hãy là chính mình, trân trọng chính mình, với tất cả hỷ nộ ái ố của mình.
Chúng ta đều tuyệt vời và trọn vẹn theo cách riêng của chúng ta.
Hãy tận hưởng và trải nghiệm sự trọn vẹn này.
Thương bạn.
Thảo Nguyên